Giới đồng tính có tình yêu đích thực hay không?

Có phải hầu hết gay đến với nhau đều có sự toan tính, không là tiền bạc thì là tình dục như người ta vẫn thường nói? 

Sự chung thủy đối với gay phải chăng là một khái niệm hoàn toàn “xa xỉ” bởi bản chất của họ thường không có tình yêu đích thực?

ảnh minh họa

 Anh Tài (27 tuổi), hiện là nhân viên công ty xuất nhập khẩu của nước ngoài có một mối tình với anh bạn đồng nghiệp người Na Uy kéo dài đã trên 10 năm. Cuộc tình “đồng dấu” này cũng trải qua nhiều thăng trầm như các cặp đôi bình thường khác. Tuy nhiên, hiện cả hai đã được đại gia đình hai bên “nội, ngoại” vui vẻ đón nhận. Và họ đã có “happy ending” bằng một đám cưới rất linh đình.
Sau khi kết hôn Tài và ông xã người Na Uy kia (đã ly dị vợ) quyết định đưa hai con của mình sang Việt Nam sinh sống. Lạ một điều hai đứa con không hề “sốc” trước việc chúng phải sống chung với thêm một người “bố” mà ngược lại chúng rất quấn quýt và quyến luyến anh không khác nào cha ruột. Anh Tài giờ đang rất hài lòng với hạnh phúc của mình. Dự định vài năm nữa có thể anh sẽ theo gia đình của mình sang Na Uy sinh sống hoặc sẽ thuyết phục “anh nhà” và các con định cư tại Việt Nam luôn.
Nghe tôi kể câu chuyện này, cậu bạn gay của tôi vô cùng ngạc nhiên thốt lên “không thể nào”. Không phải cậu ấy bất ngờ về chuyện cặp đôi này cưới nhau mà ngạc nhiên đến lạ lẫm với câu hỏi “gay mà có thể yêu nhau lâu đến thế sao?”. Quả thật cái thuật ngữ mối tình 10 năm để ám chỉ sự thủy chung của gay là một điều “không thể tin được”. Theo cậu, ai mà yêu nhau được 2-3 năm thì đã được coi là chuyện lạ thường, vì tình yêu của gay chỉ tính bằng tuần, bằng tháng, nhiều nhất là một năm rồi chia tay, đằng này…
Cậu lý giải cho “chính kiến” của mình: “Tình yêu của gay thường là tình yêu kiểu sét đánh bởi hầu hết gay đều đã có sẵn “gu” của mình, gương mặt thế nào, cao nặng bao nhiêu, lớn tuổi hay nhỏ tuổi, địa vị ra sao… Vì vậy, khi bắt được đúng tần sóng” là dính vào nhau ngay lập tức. Thường là một chút thiện cảm ban đầu cũng dễ dàng ngộ nhận và trở thành tình yêu. Có thể ban đầu thấy hợp nhưng sau vài ngày “gần gũi” mới nhận ra những yếu điểm của nhau và khoảng cách giữa hai người ngày càng rộng ra rồi nhanh chóng đổ vỡ”.
Nguyên tắc ngầm
Với tình yêu giữa nam và nữ đòi hỏi phải có thời gian tìm hiểu kỹ càng, có khi là nhiều năm trời, nên những “tật xấu” được phát hiện và nếu cảm thấy dung hòa được thì mới đến với nhau. Hơn nữa họ được “bảo hộ” bởi luật pháp và gia đình, trong khi đó gay thì không có cả một trong hai yếu tố tối cần thiết để duy trì mối quan hệ bền vững. Thêm vào đó, áp lực từ những mối quan hệ xung quanh và sự dòm ngó của “đối thủ” nên những bất đồng quan điểm gây đến đổ vỡ với gay là một điều rất dễ xảy ra.
“Có nghĩa là sự chung thủy là điều không tưởng đối với gay?”- “Thực tế đó, không phải ai cũng hiểu nguyên nhân sâu xa dẫn đến sự thiếu chung thủy trong tình yêu của gay. Sự thay lòng đổi dạ một cách nhanh chóng (không tình thì tiền) đến không tưởng của gay là điều có thật. Gay thường đứng núi này trông núi nọ, nay thích người này mai thích người kia, dẫn đến sự thay đổi và lựa chọn khác là đương nhiên, mà hậu quả của nó thì…”. Bỏ lửng câu trả lời nhưng tôi rất hiểu ý của cậu bạn mình.
Có thể không chung thủy là một hiện tượng khá phổ biến trong thế giới gay, nhưng chỉ dựa vào một hiện tượng như thế mà kết tội cho toàn bộ những người trong giới gay là không chung thủy thì hơi khập khiễng. Chính họ là người trong giới mà lại còn nghĩ về mình như thế thì chẳng thể nào trách được những người ngoài cuộc thường nghĩ xấu cho giới gay.
Một anh bạn khác lại nhìn nhận hiện tượng này một cách rất hài hước, gay không chung thủy vì là “toàn dương” (trong nhân của nó lại chứa âm) nên bề ngoài có vẻ “đẩy” dương do cùng dấu (làm bộ thản nhiên trước mặt trai). Tuy nhiên, do điện tích âm nằm sâu thẳm trong nhân nó lại có “ái lực” rất lớn đối với dương nên luôn luôn bị trai cuốn hút - chính điều này làm cho nó “ngoài đẩy, trong hút”.
Do vậy, lực kết hợp giữa gay với trai, hoặc gay với gay mang tính không bền vững. Bất luận thế nào, dù nói gì thì gay cũng vẫn là một người đàn ông với đầy đủ tính chất của giới: thích chinh phục, thích thử thách, thích tự khẳng định, dễ mềm lòng trước cám dỗ... Tuy vậy, xét về mặt nào đó thì điều này không phải không có lý.
Có tồn tại không sự chung thủy trong giới đồng tính? (Ảnh minh họa)
Hoài Tiến (Q.1) thì khác, cậu “tin tưởng” rằng, sự chung thủy trong thế giới gay chỉ chiếm 1/100 (!?). Nhìn nhiều người sống với nhau 5-10 năm tưởng rằng chung thủy đấy nhưng không phải vậy. Họ vẫn có ngoại tình trong hành động và tư tưởng, dường như họ sống bằng cái Nghĩa hơn là cái Tình. Bởi bản chất của gay đa phần thích tìm kiếm những cái mới. Thậm chí, có những cặp sống với nhau lâu được là nhờ họ có “nguyên tắc ngầm” là có thể tìm “hàng” về xài chung nhưng tuyệt nhiên không mắc mớ vào chuyện tình cảm.
Đồng tình quan điểm trên nhưng Quốc Thái (27 tuổi) lại kết luận khác. Theo Thái, thật ra nói gay không chung thủy không hẳn đúng, thử nhìn sang những người xung quanh mà không phải là gay xem liệu họ có phải là người chung thủy? Chẳng khó gì để thấy một ông anh làm chung sở có vợ con vẫn chiều chiều đi uống bia ôm rồi làm luôn tăng 2, tăng 3. Không khó mấy khi biết thằng bạn thân nổi tiếng chung thủy với vợ mỗi lần đi công tác xa cũng tòm tèm em út này nọ... Vậy liệu sự không chung thủy có phải là độc quyền riêng của gay?
"Chuẩn" nào cho sự thủy chung?
Thật ra có nhiều quan điểm về sự chung thủy. Có người quan niệm “lăng nhăng gì cũng được miễn là biết đường quay về và không sao nhãng trách nhiệm”. Nhưng có những người đòi hỏi đối phương phải tuyệt đối theo kiểu chỉ được nghĩ về mình, nhìn về mình... thế mới là chung thủy. Và hằng hà sa số những “chuẩn” khác. Chính Quốc Thái cũng đồng ý với quan điểm trên, Thái cho rằng sự chung thủy hay không là do xuất phát từ ý thức, tình yêu và trách nhiệm đối với nhau mà thôi. Và “chuẩn mực” đó không chỉ dành riêng cho gay.
 Xin tạm gác bài viết này bằng một câu chuyện có thật mà tôi đã từng được chứng kiến. Tôi có quen một anh bạn, cậu ấy đẹp trai, học giỏi (hoa vương của một trường đại học) giọng nói cực kỳ lôi cuốn và rất “nam tính”. Có anh Việt kiều nọ bặt thiệp, lịch sự quen biết cậu cũng đã lâu đề nghị “Tình 2000” (vì mến tính tình, ưa ngoại hình lại trọng tài nên chỉ cần “tình 1 đêm” với “quà tặng” là 2000 đô la Mỹ).
Tuy nhiên cậu dứt khoát từ chối. Tôi hỏi lý do vì cậu cũng khó khăn về tài chính mà, hơn nữa anh bạn này cũng quen biết đã lâu, đàng oàng và có địa vị, có gì để phân vân đâu... Anh bạn cười hiền lành: “Cũng muốn lắm chứ nhưng có lẽ mình nguyện đi cho trọn con đường “chung thủy” với người mình yêu. Bọn tớ đã “hứa hôn” rồi, không thể làm như thế được…”. Không biết bạn tôi sẽ kiên định với lòng chung thủy như thế này đến khi nào, tất cả còn chờ ở thời gian…
Theo VnMedia


Bình luận & Góp ý

0 nhận xét :

Đăng nhận xét