Nghệ sĩ và văn hóa ứng xử với bậc tiền bối: Bảo vệ quan điểm không sai, nhưng đừng chọn cách hỗn hào, vô lễ!

Nghệ sĩ và văn hóa ứng xử với bậc tiền bối: Bảo vệ quan điểm không sai, nhưng đừng chọn cách hỗn hào, vô lễ! - Ảnh 5.

Khi khoác lên mình danh xưng nghệ sĩ, bất cứ hành động nào của bạn cũng sẽ phản ánh văn hóa của người làm nghề. Cái tôi, cái ngông cuồng đó không chỉ ảnh hưởng đến cá nhân bạn, mà còn khiến cho khán giả đánh giá không tốt về cả một môi trường showbiz - nơi còn có những người lao động tử tế.

Những ngày qua, sự việc người mẫu Trang Trần và ca sĩ Pha Lê dùng những lời lẽ thô tục chửi đàn chị trong nghề - nghệ sĩ Xuân Hương - trong một đoạn livetream dài 9 phút khiến khán giả phẫn nộ về lối sống thiếu văn hóa. Tuy nhiên, nguyên nhân của những lời nói này lại bắt nguồn từ sự hiểu lầm của Trang Trần khi thấy tài khoản Lê Xuân Hương bình luận là "Vô văn hóa" thì lại tưởng là vợ cũ Thanh Bạch công khai chỉ trích mình. Vậy là từ một buổi nói chuyện về chủ đề mỹ phẩm, cô bỗng quay sang mắng chửi đàn chị không kiêng dè, thậm chí còn rủ cả đồng nghiệp chửi theo.
Thế là câu chuyện về văn hóa của những người được gọi là nghệ sĩ một lần nữa lại trở thành một dấu hỏi lớn trong chính làng văn hóa.

Nhận là nghệ sĩ thì đừng quên mình đang làm văn hóa và cần phải cư xử có văn hóa

Nhớ lại câu chuyện của Đàm Vĩnh Hưng và cố nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 ở năm 2013 cũng là một trường hợp đáng buồn về việc nghệ sĩ trẻ dùng từ ngữ nặng nề để "bật" lại vị cha chú trong nghề. Theo đó, trong một bài phỏng vấn, cố nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 đã có nhận định Đàm Vĩnh Hưng chỉ được bề nổi không phải là ca sĩ đúng nghĩa, chỉ xứng là ca sĩ loại C hát lót chứ không được vào hạng ca sĩ chính của phòng trà. Sau đó, Đàm Vĩnh Hưng đã có phản ứng khá gay gắt trên nhiều bài phỏng vấn sau đó, thậm chí còn ám chỉ gọi Nguyễn Ánh 9 là "ngụy quân tử". Sự việc đó khiến Đàm Vĩnh Hưng nhận nhiều lời chỉ trích của dư luận về lời nói thiếu lễ độ với vị đồng nghiệp đáng bậc cha chú. Anh đã đích thân gặp cố nhạc sĩ để xin lỗi và giải quyết hiểu lầm sau đó.
Nghệ sĩ và văn hóa ứng xử với bậc tiền bối: Bảo vệ quan điểm không sai, nhưng đừng chọn cách hỗn hào, vô lễ! - Ảnh 1.
Đàm Vĩnh Hưng từng bị chỉ trích khi ám chỉ cố nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 là "ngụy quân tử", sau đó nam ca sĩ phải đích thân gặp mặt xin lỗi ông.
Nhưng cũng cùng một câu chuyện, cùng một bậc tiền bối trong nghề nói về mình, Mỹ Tâm lại có phản ứng bình tĩnh và lễ phép hơn rất nhiều. "Chú nói gì thì cũng có sao đâu, chú cũng như ba mẹ mình mà. Chú nói thì mình nghe thôi chứ nói lại sao được" - Mỹ Tâm bày tỏ suy nghĩ về nhận xét của cố nhạc sĩ có liên quan đến mình.
Hai câu chuyện trên minh chứng cho việc, rõ ràng có rất nhiều cách để thể hiện quan điểm của mình trước một ý kiến nào đó khiến bản thân khó chịu. Nhưng nếu thực sự là một người có nhân cách văn minh, tử tế, nghệ sĩ đó nhất định sẽ không đánh mất bản ngã của mình và biết được đâu là giới hạn của hành động và lời nói có văn hóa dù cho có đang nổi giận, bực tức. Vậy mới nói,đón nhận chê bai thế nào cũng là văn hóa của nghệ sĩ, phản ánh rõ ràng thái độ của họ nhất đằng sau sân khấu.
Nghệ sĩ và văn hóa ứng xử với bậc tiền bối: Bảo vệ quan điểm không sai, nhưng đừng chọn cách hỗn hào, vô lễ! - Ảnh 2.
Trở lại từ khóa "Trang Trần vô lễ, xúc phạm nghệ sĩ Xuân Hương", dù tài khoản kia có đúng là của vợ cũ MC Thanh Bạch bình luận đi chăng nữa thì việc Trang Trần phản ứng với từ ngữ miệt thị nặng nề dành cho người đồng nghiệp hơn cô cả tuổi đời lẫn tuổi nghề thực sự đã cán đứt sợi dây giới hạn của văn hóa rồi. Người ngoài nhìn vào chỉ thấy đó là hành động chửi bới bất chấp, thiếu suy nghĩ chứ không còn là ý kiến phản bác bình thường. Từ đó, lại thêm một vết mực vẩy vào cái nhìn của khán giả về hai từ "showbiz" - môi trường mà còn biết bao nhiêu người không giống Trang Trần đang cố gắng hoạt động tử tế.
Trang Trần có quyền nổi giận, có quyền hiểu lầm, có quyền phản bác lại ý kiến mà cô cho là nghệ sĩ Xuân Hương nói về mình tại thời điểm livestream đó. Không ai ép người mẫu này phải im lặng nhẫn nhịn trước lời nói của một đàn chị, nhưng cô hoàn toàn có thể dùng cách nói chuyện văn minh, trình bày quan điểm một cách lịch sự, lễ phép, có sự tôn trọng để làm rõ ràng vấn đề, chứ không phải đùng đùng gọi một người đáng tuổi cha mẹ mình là "nó" rồi nhục mạ nhân cách họ.
Mà có không phải là nghệ sĩ, cũng không ai gọi người bằng tuổi cha mẹ mình là "nó".
Nghệ sĩ và văn hóa ứng xử với bậc tiền bối: Bảo vệ quan điểm không sai, nhưng đừng chọn cách hỗn hào, vô lễ! - Ảnh 3.

Nghệ sĩ cần phải bình tĩnh nhất, đừng để bị kích động mà hùa theo

Có lẽ chưa khi nào showbiz Việt lại căng thẳng vấn đề văn hóa của nghệ sĩ trẻ đối với bậc tiền bối trong nghề đến như vậy. Cách đây vài tuần, Hương Giang Idol còn bị vướng phải cơn bão giận dữ từ đồng nghiệp và khán giả, khi cô mắc sự cố vạ miệng, xúc phạm nghệ sĩ Trung Dân khi tham gia một gameshow truyền hình.
Một người bình thường khi hỗn hào vô lễ đã bị mọi người xung quanh ghét bỏ rồi, huống hồ đây là câu chuyện một nghệ sĩ trẻ vi phạm về ranh giới chuẩn mực đạo đức, đặc biệt với người đáng tuổi cha chú. Nên hiển nhiên những bình luận đầy tiêu cực, thậm chí mang nghĩa xúc phạm lại quay ngược về phía cô, thậm chí kêu gọi tẩy chay. Đó là cái giá cho sự vô tư đi quá giới hạn của nữ ca sĩ trẻ, dù cô đã xin lỗi trong nước mắt.
Vậy nên mới nói, là nghệ sĩ, bạn làm một điều tốt, thì đó là điều bạn cần làm. Bạn làm một điều tiêu cực ảnh hưởng tới văn hóa, lối sống, đó là vết nhơ cả đời không xóa được.
Nghệ sĩ và văn hóa ứng xử với bậc tiền bối: Bảo vệ quan điểm không sai, nhưng đừng chọn cách hỗn hào, vô lễ! - Ảnh 4.
Nghệ thuật là cá tính, nhưng cần phải đặt đúng chỗ và được kiểm soát bởi suy nghĩ có văn hóa. Cái tôi lớn mang lại cho bạn sự nổi bật, thu hút dư luận nhưng đồng thời lại là con dao hai lưỡi nếu để sự kiêu ngạo chi phối. Đó là cũng trường hợp của Trang Trần.
Cô đã để thói quen ăn nói thiếu suy nghĩ, có phần "chợ búa" của mình, mang lên một livestream cho hàng loạt người quan tâm chứng kiến. Cô cho rằng đó là cá tính và quên đi việc mình (từng) là một nghệ sĩ để giữ được sự lễ phép. Dân mạng càng kích động, cô càng chửi hăng say. Người mẫu nên hiểu cái sai đó được xem nhiều không phải là họ đồng cảm với cô, mà xem cô như một trò cười, đặt cô lên thớt để mổ xẻ về giá trị văn hóa của cô. Không biết cô có nhận ra mình rơi vào cái bẫy kích động của anh hùng bàn phím hay không, hay cảm thấy khoái chí khi vùng vẫy trong sự tung hô của đám đông?
Nghệ sĩ và văn hóa ứng xử với bậc tiền bối: Bảo vệ quan điểm không sai, nhưng đừng chọn cách hỗn hào, vô lễ! - Ảnh 5.
Khi Hương Giang vướng phải lùm xùm vô lễ với nghệ sĩ Trung Dân, Trang Trần đã lên tiếng chỉ trích: "Tuyệt nhiên không được xúc phạm người đàn anh đàn chị trong nghề", nhưng hôm nay cô lại làm điều đó.
Một câu chuyện khác về danh hài Hoài Linh, khi đọc một bài viết gán ghép mình bị nghệ sĩ Hữu Châu chửi xéo vì tham gia nhiều gameshow, anh đã đã lên tiếng nói thẳng trên trang cá nhân rằng: "Anh Hữu Châu là đàn anh của em. Anh ấy không thích điều gì ở em thì anh ấy gặp và chửi em. Em chấp nhận cúi đầu em nghe mà. Không cần phải chia rẽ anh, em đồng nghiệp chúng em như vậy".
Câu nói nhẹ nhàng của danh hài này đủ cho thấy sự bình tĩnh của anh đối với những thông tin chưa kiểm chứng xung quanh mình, cũng như sự tôn trọng nhất định mà anh dành cho bậc tiền bối, dù cho đó là chuyện không hay hướng về phía mình. Một nghệ sĩ có nhân cách đàng hoàng thì những gì họ làm đều sẽ có xu hướng đi đến những giá trị tử tế và không để điều gì dễ kích động.
Nghệ sĩ và văn hóa ứng xử với bậc tiền bối: Bảo vệ quan điểm không sai, nhưng đừng chọn cách hỗn hào, vô lễ! - Ảnh 6.

Đã đến lúc cần có hành động đối với nghệ sĩ trẻ không biết phép tắc

Thời buổi công nghệ phát triển đã tạo ra quá nhiều chiếc cầu nối đưa thông tin nghệ sĩ đến công chúng nhanh chóng. Nhưng cũng chính vì thế, hệ lụy mà nó mang lại cũng không nhỏ khi họ lại dùng công nghệ cho những cuộc đá xéo, đả kích nhau bằng lời lẽ không hay. Showbiz ngày nay được chính nhiều nghệ sĩ trong nghề đánh giá như cái chợ với đủ những thứ lời qua tiếng lại hạ bệ, mạt sát nhau mà đáng buồn là chưa có một giới hạn nào để kiểm soát nó lại.
"Đã đến lúc cần có những quy định hay động thái nào đó để hạn chế, chấn chỉnh lại thực trạng tiêu cực này", đó là ý kiến đa phần của nhiều khán giả. Họ vẫn chờ đợi một điều gì đó có thể kiểm soát lại những hành vi sai lệch về văn hóa của những nghệ sĩ để không còn những câu chuyện phát ngôn bừa bãi, đáp trả nhau vô lễ phơi bày trước công chúng nữa.
Với những người đã từng nhận mình là nghệ sĩ, từng kiếm được đồng lương trên danh xưng này thì đừng quên hai chữ văn hóa sẽ luôn đặt nặng lên vai mình mỗi phút giây, dù bạn có hoạt động tiếp tục hay không. Người làm văn hóa vẫn là những người có tiếng nói, xuất hiện trên các phương tiện truyền thông và một phần đại diện cho nền giải trí của một đất nước. Hành động kém văn hóa của những người có sức ảnh hưởng không chỉ cổ súy cho suy nghĩ của những người trẻ thiếu định hướng, mà còn khiến cho công chúng đánh giá không đúng về cả một bức tranh rộng lớn mà bạn chỉ đang là một phần trong đó. Tất cả sẽ khiến cho người ngoài đạp đổ đi những điều tử tế mà những người mang trọng trách nghệ sĩ thực sự đang nghiêm túc gây dựng từng ngày.
Xin mượn một câu của nghệ sĩ Thành Lộc để tạm kết lại vấn đề: "Đừng để mình bị mụ mẫm ở trong cái tôi kiêu ngạo quá lâu để mình không nhận thức ra là đã đến lúc mình phải lùi lại. Hãy sống, hoạt động nghề nghiệp làm sao để cho công chúng luôn luôn nhớ là ngày xưa đã từng có một nghệ sĩ như thế, chứ đừng để họ nghĩ: À, người đó tắt rồi là cũng đáng đời".
Bình luận & Góp ý

0 nhận xét :

Đăng nhận xét