Dân vùng lũ Hà Nội tắm nhờ nước mưa, ăn khoai thay cơm

Dân vùng lũ Hà Nội tắm nhờ nước mưa, ăn khoai thay cơm

Ngập 10 ngày, không điện, nước sạch, người dân thôn Nhân Lý (Nam Phương Tiến) chỉ ăn cơm bữa tối, còn lại chống đói bằng mì tôm, khoai luộc. 

ng 2/8, thôn Nhân Lý (xã Nam Phương Tiến, Chương Mỹ, Hà Nội) trời hửng nắng. Những ngôi nhà nằm ven cánh đồng, gần đê sông Bùi vẫn ngập 2 mét, nhà giữa thôn chừng nửa mét. Đường làng thành kênh bẩn, rác thải và bèo nổi khắp nơi. Trời nắng khiến nước bẩn và mùi phân gà, vịt bốc lên hôi thối.
Nhà văn hóa thành nơi tránh lũ của 5 hộ dân thôn Nhân Lý. Ảnh: Gia Chính
Nhà văn hóa thành nơi tránh lũ của 5 hộ dân thôn Nhân Lý. Ảnh: Gia Chính
Ngồi bó gối trong nhà văn hóa thôn Nhân Lý, chị Nguyễn Thị Yến chốc chốc lại thở dài. "Cả làng chạy lũ, nhà tôi ngập sâu nên phải chuyển ra nhà văn hóa tá túc. Gấp gáp quá, chỉ kịp chạy người và ít thóc, còn lại tài sản đành ngâm nước 10 ngày nay", chị Yến kể. 
Gia đình chị Yến cùng bốn hộ khác sơ tán lên nhà văn hóa thôn - nơi duy nhất không bị ngập. Trong phòng hội họp chừng 100 m2, các gia đình xếp đầy thóc lúa, tivi, tủ lạnh xung quanh. Dãy bàn họp xếp chính giữa làm nơi ăn uống và ngủ ban đêm. Các ghế quây lại thành giường cho trẻ nhỏ chơi và ngủ.
Đàn ông lên thuyền đi làm từ sớm, nơi ở tạm chỉ còn lại một số phụ nữ chăn nuôi gia súc. Họ tận dụng khoảng sân nhà văn hóa để quây chuồng cho khoảng chục con lợn và đàn vịt gần 1.000 con. "Nhà tôi có lợn nái đẻ 10 con, lúc chạy lũ chuyển lên đây thì chết mất 9", một người dân nói. 
Mùa lũ, việc ăn uống tạm bợ. Do toàn thôn mất điện, mấy phụ nữ dựng tạm bếp củi nấu giữa sân nhà văn hóa. Mỗi ngày, họ chỉ ăn một bữa chính vào buổi tối. Thời gian còn lại, khi nào đói họ ăn khoai sọ nhà trồng hoặc úp tạm bát mì tôm. 
Bữa cơm tạm bợ bằng khoai, sắn của người dân vùng rốn lũ. Ảnh: Gia Chính
Bữa trưa với khoai sọ luộc của chị Yến. Ảnh: Gia Chính
Đặt túi nylon đựng ba miếng khoai sọ luộc lên bàn, chị Yến dùng đũa bới từng miếng đưa lên miệng. Khoai khô khốc, phải ăn nhiều ngày nên chị cứ nhăn mặt. "Mì tôm nóng lắm, không ăn được nhiều. Ăn khoai đỡ hơn nhưng vẫn khó nuốt. Mưa lũ phải chịu chứ không biết làm sao", người phụ nữ gần 40 tuổi nói.
Những ngày ngập lũ, ngoài chuyện ăn uống vất vả, người dân Nhân Lý đau đầu vì chuyện tắm giặt vì thiếu nước sạch. "Chúng tôi phải đợi trời mưa để tắm, nếu không mưa thì phải 2-3 ngày tắm một lần", chị Yến kể.  
Xã Nam Phương Tiến đã sơ tán hết người dân khỏi những ngôi nhà ngập. Nhưng để bảo vệ tài sản, hầu như nhà nào cũng cắt cử một người ở lại trông nom. Trong ngôi nhà 3 tầng khang trang nằm giữa làng, chỉ có anh Nguyễn Tự Tuyên. Vợ anh đã lên nhà người thân ở tạm. Ba người con được thuê một phòng trọ gần trường cấp 3 để tiện việc học.
Anh Tuyên ở lại trông nhà, mỗi buổi chiều bơi sang nhà hàng xóm tắm nhờ, sau đó nhờ người chở thuyền về nhà và ngủ trên tầng hai. "Một mình nên tôi không nấu nướng gì, mì tôm được hỗ trợ, đến bữa thì pha ăn tạm", anh Tuyên nói. 
Năm 2009, gom góp tiền, vợ chồng anh xây được ngôi nhà 3 tầng, tưởng sẽ không phải chịu cảnh ngập nữa. "Nhưng hai trận lũ chưa đầy một năm, nhà tôi đều ngập hết cả tầng một. Đồ đạc nổi lềnh phềnh", anh kể. 
Ngôi nhà ba tầng khang trang của anh Tuyên cũng chịu chung số phận. Ảnh: Gia Chính
Ngôi nhà ba tầng khang trang của anh Tuyên bị ngập, bèo trôi vào nhà. Ảnh: Gia Chính
Cách thôn Nhân Lý chừng 5 km là thôn Bùi Xá, thị trấn Xuân Mai. Thôn nằm ven sông Bùi và “không mùa nước nào là không ngập”. Nhiều người dân nơi đây đã sống quen với lũ nên bám trụ để bảo vệ vật nuôi.
Vợ chồng ông Nguyễn Văn Quá từ ngày có lũ chỉ quẩn quanh trong ngôi nhà cấp 4 nước ngập đến cửa sổ. Chiếc giường đôi được kê tạm bằng gạch chỉ cao hơn mép nước chừng 10 cm. 
“Năm nào nước lên nhà tôi cũng ngập, tôi với vợ ở lại để chăm sóc đàn lợn. Ban ngày nếu không đi nhận đồ cứu trợ thì chỉ loanh quanh trên giường rồi đi ngủ”, ông Quá nói. 
Video Player is loading.
0:06
/
1:52
Loaded: 0%
Progress: 0%
Ngập ở Chương Mỹ và Quốc Oai, Hà Nội.
Trước đó từ ngày 22/7 đến nay, 4 xã của huyện Chương Mỹ gồm Tốt Động, Thủy Xuân Tiên, Hoàng Văn Thụ, Nam Phương Tiến và thị trấn Xuân Mai bị ngập nặng, có nơi sâu hơn 2 m. Nguyên nhân là lưu vực sông Bùi mưa rất to, tổng lượng hai đợt tới 800 mm; lũ sông Bùi vượt báo động 3 tới nửa mét, trong khi địa bàn trũng thấp, việc tiêu thoát nước ra các sông lân cận chậm.
Ngập lụt khiến hai chị em ruột ở xã Tốt Động bị đuối nước. Toàn huyện có hơn 3.680 nhà bị ngập dưới 2m, hơn 3.240 hecta lúa và gần 600 ha hoa màu bị thiệt hại. Tổng chiều dài đê, hồ, đập bị sạt lở 12.110 m. Hàng nghìn lượt công an, quân đội được huy động ứng trực 24/24h để bảo vệ các tuyến đê.
Bình luận & Góp ý

0 nhận xét :

Đăng nhận xét