Sinh con từ tinh trùng người đã mất: Mòn mỏi chờ luật


Sinh con từ tinh trùng người đã mất: Mòn mỏi chờ luật


TP - Hơn 20 năm từ khi ca thụ tinh ống nghiệm đầu tiên tại Việt Nam thành công, y học Việt Nam hiện đã đạt được nhiều thành tựu vượt bậc trong lĩnh vực này. Thế nhưng về mặt pháp lý, nếu một trong hai người vợ hoặc chồng đột ngột qua đời, thì thủ tục xin thực hiện phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm trong nhiều trường hợp không thực hiện được bởi pháp luật Việt Nam chưa quy định về việc “sinh con với người chết”.









                                                    Luật sư Võ Tuấn Anh 
Hi vọng cuối
Cách đây không lâu, con trai của bà P.T.H. (ngụ Q8, TPHCM) đột ngột qua đời. Nén đau thương, bà H. đã kịp thời đến BV nhờ trữ lại tinh trùng cho con với mong muốn con trai mình có một người con nối dõi. Thế nhưng, khi bà H. và con dâu làm thủ tục xin thụ tinh thì bị từ chối. BV cho rằng, con bà H đã qua đời…Bà H. buộc phải chạy ngược xuôi làm đơn “cầu cứu” Bộ Y tế.
Tương tự, bà V.N. (ngụ Phú Nhuận, TPHCM) cũng gian nan trong việc xin lấy mẫu tinh trùng của con để thụ tinh ống nghiệm với con dâu của bà.
Theo lời bà N, ngay khi phát hiện bản thân bị bệnh hiểm nghèo, con trai bà đã đến gửi tinh trùng tại BV Từ Dũ trước khi tiến hành điều trị.  Không lâu sau đó, anh T. (con trai bà) lập gia đình và bất ngờ trở bệnh. “Vì lo chạy chữa bệnh cho con, gia đình cũng không nhớ đến việc đăng ký kết hôn cho con trai và con dâu của tôi. Sau khi T. qua đời, tôi đến BV xin được sử dụng tinh trùng của con trai để thụ tinh cho con dâu nhưng không được chấp thuận vì con trai và con dâu tôi chưa đăng kí kết hôn”, bà N thuật lại.
Rạng sáng 6/1 vừa qua, các bác sĩ Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội cũng vừa thực hiện lấy tinh trùng thành công cho một nam bệnh nhân đã qua đời. Theo các BS, gia đình bệnh nhân muốn lưu giữ lại tinh trùng của con mình để mai sau tìm cách nhờ người mang thai.
Với những gia đình ít con, con lại chẳng may qua đời vì lí do nào đó, việc lưu trữ lại tinh trùng, sau đó thực hiện thụ tinh ống nghiệm được xem là niềm hi vọng cuối cùng đối với họ. Thế nhưng, cho đến hiện tại, pháp luật Việt Nam vẫn chưa đề cập vấn đề sinh con từ người chết, cụ thể là việc sử dụng tinh trùng đã lưu trữ sau khi bệnh nhân qua đời ra sao, hành lang pháp lý cho câu chuyện này còn bỏ ngỏ?

Nhiều vướng mắc
Theo BS Lý Thái Lộc (Trưởng khoa Hiếm muộn, Bệnh viện Hùng Vương, TPHCM), hiện nay quy định pháp luật nước ta chỉ cho phép sử dụng tinh trùng hoặc phôi, trứng của bệnh nhân khi họ còn sống nhưng khi họ qua đời lại chưa có quy định. Tại BV Hùng Vương, BS Lộc cho rằng khi nhận đơn từ người thân của người bệnh muốn lưu trữ tinh trùng thì BV sẽ lấy tinh trùng. Còn việc thụ tinh trong ống nghiệm thì chưa làm được vì Bộ Y tế chưa có quy định cụ thể nên gây trở ngại về tư pháp khi trẻ sinh ra. “Rất khó khăn để BV xử lý các trường hợp người nhà yêu cầu thụ tinh từ tinh trùng người đã mất vì còn vướng nhiều vấn đề về luật. Chúng tôi chỉ có thể giữ mẫu tinh trùng đó hộ cho bệnh nhân, chờ đến khi nào Bộ Y tế có những quy định cụ thể”,  BS Lộc cho biết.
Phát biểu về vấn đề này, Luật sư Võ Tuấn Anh (Đoàn Luật sư TPHCM) cho biết hiện tại, pháp luật vẫn chưa đề cập việc sinh con từ tinh trùng đã mất một cách cụ thể. Nếu căn cứ vào điều 21, Nghị định 10/2015 quy định về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm thì khi người gửi tinh trùng, noãn, phôi bị chết, mà cơ sở lưu trữ nhận được thông báo khai tử từ gia đình người gửi, phải hủy tinh trùng, noãn, phôi của người đó. Trừ trường hợp vợ hoặc chồng của người đó có đơn đề nghị lưu giữ và đóng phí lưu giữ. Tuy nhiên, luật không đề cập vấn đề giữ đến bao giờ, ai được quyền sử dụng, sử dụng bằng cách nào?
Bên cạnh đó, việc Luật Hôn nhân & Gia đình quy định xác định cha mẹ cho con chỉ khoanh vùng trong thời hạn 300 ngày kể từ khi cha hoặc mẹ qua đời. Tuy nhiên, việc lưu trữ tinh trùng lại có thể kéo dài đến hàng chục năm. Vậy những đứa trẻ ra đời sau 300 ngày từ khi cha mất sẽ không được công nhận quyền lợi về pháp lý?
Đối với việc hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác thì được quy định tại Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác. Đối với trường hợp lấy mô, bộ phận cơ thể người sau khi chết, phải được sự đồng ý bằng văn bản của cha, mẹ hoặc người giám hộ của người đó hoặc vợ, chồng hoặc đại diện các con đã thành niên của người đó.
Tuy nhiên, LS Tuấn Anh cho rằng, tinh trùng trong trường hợp này không được xem là một phần mô, tạng, bộ phận cơ thể người để tiến hành hiến vì nó không có chức năng thay thế, giúp duy trì cuộc sống mà sẽ tạo ra một con người mới, cuộc sống mới nên việc áp dụng Luật Hiến, lấy, ghép mô… trong trường hợp này cũng không đúng.
Trường hợp người mẹ ruột là người thừa kế thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người đã mất thì người mẹ có thể có quyền yêu cầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đó trao lại cho bà các mẫu tinh trùng của người con trai để lại.  Nếu không được đáp ứng yêu cầu nêu trên, người mẹ có thể yêu cầu tòa án giải quyết để các bên có cơ sở thực hiện trong tình huống này. “Còn cách giải quyết cuối cùng là chỉ có thể chờ luật thay đổi, bổ sung”, LS Tuấn Anh cho biết.
Luật sư Võ Tuấn Anh cho rằng, nhìn nhận về sâu xa trong mối quan hệ tương quan nhiều chiều của xã hội, không nói đến việc được hay không được thụ tinh từ tinh trùng người mất, thì ngay cả quyền lợi xã hội, mối quan hệ pháp lý của người con được sinh ra trong hoàn cảnh này với người chồng lưu trữ tinh trùng trước khi chết cũng còn nhiều vấn đề cần bàn cãi. Do đó, người mẹ cần được các chuyên gia tâm lý tham vấn trước khi quyết định thụ tinh từ tinh trùng của người chồng đã mất.
Tuy nhiên, LS Tuấn Anh cho rằng, tinh trùng trong trường hợp này không được xem là một phần mô, tạng, bộ phận cơ thể người để tiến hành hiến vì nó không có chức năng thay thế, giúp duy trì cuộc sống mà sẽ tạo ra một con người mới, cuộc sống mới nên việc áp dụng Luật Hiến, lấy, ghép mô… trong trường hợp này cũng không đúng.


Bình luận & Góp ý

0 nhận xét :

Đăng nhận xét