Phó thủ tướng Trung Quốc Tôn Xuân Lan nói Vũ Hán đang đối mặt điều kiện thời chiến sau khi thăm thành phố giữa dịch virus corona.
"Không ai được đào ngũ, nếu không họ sẽ gắn liền với nỗi hổ thẹn mãi mãi trong lịch sử", Phó thủ tướng Trung Quốc Tôn Xuân Lan, người đứng đầu chiến dịch quốc gia chống dịch viêm phổi cấp do chủng mới virus corona (nOcV), nói về chuyến thăm hôm 6/2 tới thành phố Vũ Hán, tâm điểm của dịch bệnh.
Quan chức trong trung tâm kiểm dịch thắt chặt kiểm soát đối với người dân giữa lúc khủng hoảng gia tăng. Nhà chức trách Vũ hán đã bắt đầu đến từng nhà để đo nhiệt độ, gom những người nghi nhiễm để buộc họ kiểm dịch tại các sân vận động và triển lãm đang được sử dụng làm bệnh viện dã chiến. "Thành phố và đất nước đang đối mặt điều kiện thời chiến", bà Tôn nói.
Phó thủ tướng Trung Quốc Tôn Xuân Lan kiểm tra bệnh viện dã chiến Hỏa Thần Sơn ở Vũ Hán hôm 2/2. Ảnh: Xinhua.
|
Hơn 34.000 người hiện đã bị nhiễm bệnh trên khắp thế giới, đa số ở Trung Quốc, và 2/3 trong số họ ở Vũ Hán và tỉnh Hồ Bắc. Dịch bệnh khiến 724 người chết trên toàn thế giới, chủ yếu ở Trung Quốc.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm qua ca ngợi sự sụt giảm số ca nhiễm mới hai ngày liên tiếp, có thể báo hiệu một số tiến bộ trong việc ngăn chặn dịch. Tuy nhiên, chuyến thăm Vũ Hán của bà Tôn Xuân Lan nhấn mạnh quyết tâm tăng cường nỗ lực tại thành phố và hứa hẹn thêm hỗ trợ từ Bắc Kinh cho thấy quan chức Trung Quốc lo ngại dịch bệnh vẫn chưa được kiểm soát.
Trong cuộc họp do Thủ tướng Lý Khắc Cường chủ trì, các quan chức hàng đầu đảng Cộng sản Trung Quốc thống nhất nỗ lực ngăn chặn trên khắp tỉnh Hồ Bắc nên được đẩy mạnh, tăng số giường bệnh và nhân viên y tế. Tỷ lệ tử vong ở Vũ Hán là 4,1%, cao hơn nhiều so với 2,8% trên toàn tỉnh Hồ Bắc và 2% trên cả nước.
Một số người ở Vũ Hán lo sợ họ đang bị hy sinh vì lợi ích quốc gia. Cái chết của bác sĩ Lý Văn Lượng, một trong 8 người đầu tiên cảnh báo nCov nhưng bị cảnh sát khiển trách, làm tăng sự tức giận trên khắp Trung Quốc. Các hashtag "chúng tôi muốn tự do ngôn luận" cùng những bài đăng tưởng nhớ bác sĩ Lý xuất hiện trên khắp mạng xã hội, nhưng bị xóa sau đó.
Ở các khu vực khác của Trung Quốc, ngày càng nhiều thành phố, thị trấn và thậm chí các ngôi làng hẻo lánh đang tự cách ly.
Tuy nhiên, hai tuần sau cuộc khủng hoảng, rõ ràng Bắc Kinh không thể đủ khả năng để đóng cửa kinh doanh vô thời hạn trên cả nước. Quy mô bùng phát lần đầu tiên được công bố vào giữa tháng một, khi Trung Quốc đang trải qua kỳ nghỉ lễ quan trọng nhất trong năm là Tết Nguyên đán. Việc hủy bỏ hàng loạt lễ hội vốn mang lại doanh thu lớn cho ngành bán lẻ và du lịch cũng như kỳ nghỉ kéo dài thêm một tuần khiến chi phí của các cửa hàng, nhà máy, nhà hàng và các doanh nghiệp khác đã bắt đầu tăng lên.
Các doanh nghiệp nhỏ cảnh báo gặp một loạt vấn đề, từ chăn nuôi gia súc, trả tiền thuê mặt bằng và lương nhân viên cho các cửa hàng không thể bán được hàng.
Tác động của việc ngừng hoạt động cũng đã vượt ra ngoài biên giới Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Huyndai của Hàn Quốc đã đóng cửa nhà máy tại Trung Quốc, nơi sản xuất ôtô năng suất cao nhất thế giới.
- Vũ Hán siết 'vòng kim cô'
- Vì sao Triều Tiên chưa có ca nhiễm virus corona?
- Cuộc chiến chống 'dịch tin giả' virus corona
Huyền Lê (Theo Guardian)
0 nhận xét :
Đăng nhận xét