Thay vì đi chợ cóc gần nhà theo ngày, ngày càng nhiều người đổ ra chợ đầu mối mua thực phẩm với giá rẻ. Bằng cách này, mỗi gia đình có thể tiết kiệm một khoản không nhỏ.
Có mặt tại chợ đầu mối phía Nam, nằm trên đường Tân Mai (Hoàng Mai, Hà Nội) vào mỗi sáng sớm, không khó để bắt gặp cảnh mua bán nhộn nhịp nơi đây.
Được coi là một trong các chợ đầu mối lớn nhất miền Bắc, khu chợ này tương đối đa dạng về các mặt hàng, từ rau củ quả, thực phẩm, thủy hải sản cho đến quần áo, đồ gia dụng.
Cảnh tấp nập, đông đúc tại chợ đầu mối phía Nam Hà Nội vào mỗi buổi sáng.
Đứng trước hàng chục tấm biển ghi giá của từng loại hoa quả, chị Vy (chủ sạp hàng khu vực bán hoa quả) cho biết, năm nay giá các loại hoa quả rẻ chưa từng có, lượng khách buôn lại giảm hơn một nửa so với mọi năm nhưng khách lẻ lại nhiều gấp đôi.
“Để phục vụ nhu cầu của người dân, chúng tôi phải mang hàng ra từ lúc nửa đêm. Giao buôn xong là tung hàng ra bán lẻ cho người dân đến tận giữa trưa. Có ngày bán lẻ còn được nhiều hơn bán buôn”, chị Vy nói.
Vừa nhanh tay chỉnh lại mấy miếng bìa ghi giá chị Vy vừa cân hàng và tính tiền cho khách. Theo chị Vy, nếu như dân buôn mua cả thùng, thấp hơn chừng 1 giá thì khách lẻ mỗi người chỉ mua vài cân nên giá được điều chỉnh cao hơn một chút, coi như tiền túi bóng và hao hụt.
Không chỉ rau, thực phẩm mà hoa quả tại chợ đầu mối cũng có giá rẻ chỉ bằng 1/2 giá bán tại chợ cóc.
“Ví dụ như xoài Đài Loan hôm nay 8.000 đồng/kg, mận hậu 10.000 đồng/kg, vải 15.000 đồng/kg, dưa hấu 8.000 đồng/kg… So với giá chợ cóc tôi đảm bảo phải rẻ hơn từ 5-10.000 đồng/kg”, chị Vy chia sẻ.
Theo quan sát, không chỉ hàng của chị Vy, hầu hết các gian hàng tại chợ đầu mối đều treo biển giá công khai. Túi nilon đựng để sẵn cạnh quầy, ai cần cứ đến lấy rồi đưa cho chủ sạp cân và tính tiền. Không ai bảo ai, rất nhanh và chuyên nghiệp.
Hầu hết các tiểu thương chợ đầu mối đều để giá công khai trước mỗi món hàng được bày bán.
Ngồi xuống lựa những quả trứng gà ta cho vào rổ, chị Phạm Thị Lương, trú tại ngõ Văn Chương (Đống Đa, Hà Nội) cho biết, tuần nào nhà chị cũng sắp xếp thời gian đi chợ đầu mối 1 lần, vừa rẻ vừa đỡ mất thời gian đi chợ hàng ngày.
“Nhà tôi có 2 vợ chồng và 2 đứa con. Chồng tôi làm đầu bếp, tôi thì làm giáo viên mầm non nhưng dịch bệnh cả năm nay nên thu nhập cũng giảm sút. Thấy chồng tôi bảo chợ này rẻ lắm mà cái gì cũng có nên mỗi tuần tôi đều qua đây mua một lần ăn cả tuần”, chị Lương cho hay.
Là chợ đầu mối nên thứ gì cũng có và giá rẻ hơn các chợ khác.
Theo chị Lương, để kiểm soát chi tiêu, mỗi lần đi chợ đầu mối chị chỉ mang đúng 500.000 đồng. Chỉ bằng số tiền này mà chị có thể mua thực phẩm cho cả nhà dùng trong 1 tuần. Không như trước đây, ngày nào cũng đi chợ, có bao nhiêu tiền cũng tiêu hết, vừa mất thời gian vừa tốn kém.
“Ở chợ cóc gần nhà tôi, thịt thăn hay ba chỉ cũng phải 150.000 đồng/kg nhưng ở chợ này chỉ 110.000 đồng/kg; cá chép, cá trắm mua cả con cũng chỉ 40.000 đồng/kg; cá nục hay cá mòi biển cũng chỉ 30.000 đồng/kg; thịt gà cả con chỉ 65-70.000 đồng/kg; tôm biển loại nhỏ chỉ 90-120.000 đồng/kg; trứng gà chỉ 20-25.000 đồng/chục; ghẹ sữa chỉ 50.000 đồng/kg; cua đồng chỉ 140.000 đồng/kg”, chị Lương phân tích.
Quất chỉ 10.000 đồng/kg, bầu chỉ 8.000 đồng/kg, mướp đắng chỉ 7.000 đồng/kg.
Theo chị Lương, rau củ quả ở đây cũng rất rẻ. Chị thường mua hoa quả theo mùa. Ví dụ như hiện tại, đang mùa nên vải chỉ từ 15.000 đồng/kg; xoài chỉ từ 8-10.000 đồng/kg; mướp đắng 7.000 đồng/kg; mướp hương 7.000 đồng/kg; rau mùng tơi 3.000 đồng/bó; rau muống 7.000 đồng/bó to gấp 3 lần tại chợ cóc; ngô ngọt 5.000 đồng/bắp; quả sấu 15.000 đồng/kg.
Chỉ bằng việc đi chợ đầu mỗi mỗi tuần 1 lần, chị Lương có thể tiết kiệm được cả triệu đồng/tháng. Chỉ vào chỗ thực phẩm vừa mua, chị cho biết, riêng tiền thịt lợn rẻ hơn ở chợ gần nhà 40.000 đồng/kg; cá trắm rẻ hơn được 20.000 đồng/kg; tôm biển, cá biển cũng rẻ hơn 30.000 đồng;kg; trứng rẻ hơn 5-10.000 đồng/chục; cua đồng rẻ hơn 40.000 đồng/kg hoa quả cũng rẻ hơn 5-10.000 đồng/kg; rau củ các loại mỗi loại rẻ hơn từ 3-5.000 đồng.
Mướp hương vừa tươi vừa rẻ.
"Chiến lợi phẩm" được chị Lương mua tại chợ đầu mối để gia đình 4 người ăn trong 1 tuần chỉ với 500.000 đồng.
Chị Lương cho rằng, những người buôn bán ở chợ cóc, họ cũng toàn đến chợ đầu mối mua về để bán lẻ cho người dân, mỗi thứ đắt lên vài nghìn đồng cũng mang về thu nhập vài trăm nghìn đồng/ngày. Giữa lúc dịch bệnh khó khăn, đi chợ đầu mối vừa tiết kiệm tiền bạc, bản thân chị cũng tiết kiệm được khá nhiều thời gian và tránh được việc ngày nào cũng ra khỏi nhà.
Bình luận & Góp ý
0 nhận xét :
Đăng nhận xét