Trịnh Văn Quyết bị phong tỏa tài sản, quyền lợi khách hàng sẽ ra sao?

 


Bộ Công an đề nghị tạm dừng giao dịch chuyển nhượng, mua, bán, cho, tặng, thế chấp với bất động sản, cổ phiếu... của anh em ông Trịnh Văn Quyết.

Liên quan đến vụ việc Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết bị bắt, Bộ Công an đề nghị tạm dừng giao dịch chuyển nhượng, mua, bán, cho, tặng, thế chấp với bất động sản, cổ phiếu... của anh em ông Trịnh Văn Quyết, nhiều người băn khoăn việc các tài sản đang giao dịch dở dang sẽ xử lý ra sao, quyền lợi của người mua bất động sản, cổ phiếu liên quan đến Trịnh Văn Quyết được đảm bảo thế nào?

Trịnh Văn Quyết bị phong tỏa tài sản, quyền lợi khách hàng sẽ ra sao? - 1

Cảnh sát khám xét tại Tập đoàn FLC (ảnh to) và Trịnh Văn Quyết (ảnh nhỏ)

Về vấn đề này, trao đổi với PV Báo Giao thông, Tiến sỹ, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, trong vụ án này, cơ quan chức năng đang xem xét đối với cá nhân, trong đó có cả phần trách nhiệm dân sự trong vụ án hình sự.

Bởi vậy, về nguyên tắc thì những tài sản do phạm tội mà có hoặc những tài sản sử dụng để thực hiện hành vi phạm tội thì mới bị áp dụng các biện pháp ngăn chặn. Còn đối với các tài sản hợp pháp khác của bị can và đặc biệt là tài sản của doanh nghiệp mà không liên quan đến tội phạm thì cơ quan điều tra sẽ không áp dụng các biện pháp ngăn chặn.

"Đối với các dự án đang triển khai của doanh nghiệp này và các tài sản của các bị can không liên quan đến tội phạm thì cơ quan điều tra sẽ không hạn chế việc quản lý sử dụng, định đoạt", luật sư Cường cho biết.

Theo luật sư Đặng Văn Cường, trong quá trình điều tra vụ án về tội thao túng thị trường chứng khoán thì cơ quan điều tra có thể thu giữ các tài liệu có liên quan để làm rõ, phân loại những vấn đề có liên quan đến vụ án.

Nếu những tài liệu đó có liên quan đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp hoặc liên quan đến tài sản thì các giao dịch cũng không thể thực hiện được cho đến khi cơ quan điều tra xác định những vật chứng đó có liên quan đến tội phạm hay không.

Ngoài ra, khi giải quyết một vụ án hình sự thì cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ các vi phạm, sai phạm có liên quan của các tổ chức, cá nhân. Trong trường hợp có căn cứ cho thấy ngoài tội danh đã bị khởi tố, doanh nghiệp và các cá nhân còn có hành vi vi phạm pháp luật khác có liên quan đến tài sản thì cơ quan điều tra sẽ tiếp tục áp dụng các biện pháp ngăn chặn và làm rõ hành vi vi phạm để xử lý theo quy định pháp luật.

"Bởi vậy, về mặt lý thuyết thì chỉ có những tài sản do phạm tội mà có và những tài sản được xác định là vật chứng trong vụ án hình sự thì mới bị thu giữ và xử lý theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự. Còn những tài sản không liên quan đến tội phạm và các tài sản hợp pháp khác thì pháp luật sẽ bảo vệ", luật sư Cường phân tích.

Luật sư Cường thông tin thêm, khi khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với các doanh nhân lớn, những người có sức ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của một tập đoàn, doanh nghiệp, ảnh hưởng đến thị trường thì cơ quan điều tra sẽ hạn chế đến mức thấp nhất những tác động tiêu cực từ việc xử lý hình sự cá nhân đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Vì vậy, đối với các nhà đầu tư, các đối tác của tập đoàn này thì vẫn thực hiện các giao dịch bình thường đối với các dự án, các tài sản không liên quan đến tội phạm. Cơ quan tố tụng cũng sẽ tạo mọi điều kiện để hoạt động kinh doanh của tập đoàn này và các công ty con, các giao dịch với các đối tác được thực hiện thuận lợi nhất theo quy định pháp luật.

Để phối hợp phục vụ điều tra vụ án "Thao túng thị trường chứng khoán" xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC, Công ty Cổ phần Chứng khoán BOS và các công ty liên quan, ngày 14/4, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an đã có văn bản gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố thuộc trung ương đề nghị chỉ đạo các đơn vị chức năng rà soát, cung cấp thông tin, tài liệu cho Cơ quan Cảnh sát điều tra về tài sản (bất động sản, cổ phần/vốn góp, cổ phiếu...) đứng tên ông Trịnh Văn Quyết, bà Trịnh Thị Thúy Nga (em gái ông Quyết), bà Trịnh Thị Minh Huế (em gái ông Quyết) và bà Lê Thị Ngọc Diệp (vợ ông Quyết).

Ngoài ra, Cơ quan Cảnh sát điều tra cũng đề nghị tạm dừng biến động (giao dịch chuyển nhượng, mua, bán, cho, tặng, cầm cố, thế chấp...) đối với tài sản (bất động sản, cổ phần/vốn góp, cổ phiếu...) của ông Trịnh Văn Quyết và các cá nhân nêu trên.

Tối 29/3, ông Trịnh Văn Quyết bị khởi tố và bắt tạm giam về tội "Thao túng thị trường chứng khoán", quy định tại Điều 211 Bộ luật Hình sự. Trợ giúp cho ông Quyết là 2 người em gái gồm Trịnh Thị Thúy Nga và Trịnh Thị Minh Huế cũng đã bị khởi tố và bắt tạm giam.

Bình luận & Góp ý

0 nhận xét :

Đăng nhận xét