Chỉ trong tích tắc, tất cả của cải tài sản của người dân đều mất sạch. Với họ, phía trước giờ là tương lai mịt mờ, vô định…
Buổi chiều kinh hoàng
Đến thời điểm này, anh Võ Minh Thảo (ấp Bình Thuận 1, xã Hoà Ninh, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long) vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhớ lại vụ sạt lở kinh hoàng chiều 5/12.
Hiện trường vụ sạt lở kinh hoàng ở Hòa Ninh.
Anh Thảo kể: “Trong đêm xảy ra vụ việc, tôi nghe một tiếng ầm lớn, nước ào ào tràn vô, liền sau đó, hơn 8 công (1 công = 1.000m2) vườn trồng mít liên tục trôi xuống sông.
Lúc đó, tui chỉ kịp chạy vô nhà lấy được một số giấy tờ tùy thân của gia đình và ôm được ảnh thờ của cha tui. Vừa ra tới sân thì nghe tiếng răng rắc, tất cả mọi thứ đã bị "Hà bá" nuốt chửng”.
Anh Thảo nói và cho biết: Nhiều năm dành dụm, gia đình anh tích cóp được một số vàng và trồng được một vườn mai quý, định Tết này mang đi bán. Bây giờ tất cả đều mất sạch, ước thiệt hại lên tới 2-3 tỷ đồng.
Đoạn sông nơi xảy ra sạt lở.
Còn chị Trương Thị Thùy Trang nghẹn ngào: “Chỉ trong tích tắc, mọi thứ đều mất sạch. Tất cả nhà cửa, ruộng vườn đều trôi xuống sông. Quần áo, sách vở của mấy đứa nhỏ đi học cũng không còn.
Giờ gia đình tôi cũng không biết tính sao, trước mắt dọn về nơi ở tạm. Chỉ mong sau này, tụi nhỏ có được cái nhà mới để ở, yên tâm đi học”.
Cùng chung tình cảnh, anh Lê Quốc Hoàng Nam nói trong nước mắt: “Nhà có 4 công vườn, hơn một nửa đã trôi sông, tài sản cũng mất trắng. Cuộc sống bây giờ chỉ biết trông chờ vào sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm và chính quyền. Bà con không ai ngờ mọi thứ lại diễn ra như vậy”.
Người dân nghẹn ngào vì chỉ trong tích tắc, toàn bộ nhà cửa, đất đai của họ đều mất trắng.
Tương tự, nhà và tất cả diện tích đất vườn cây ăn trái của bà Đặng Thị Thẩm đã bị chìm trong nước sau khi sạt lở xảy ra. Không có người thân ở khu vực này, gia đình bà được chính quyền địa phương đưa đến ở tạm tại trụ sở nhà văn hóa xã.
“Chuyện thiên tai không ai lường trước được, cũng may nhờ huyện với xã di dời, chứ nếu không, tui cũng không biết ngủ ở đâu, vì nhà cửa, đất đai mất tiêu hết rồi, tay trắng tay luôn”, bà Thẩm bộc bạch.
Khổ nhất, đất đai không thể tái tạo. Tư liệu sản xuất không còn, sắp tới những hộ dân này chuyển đổi nghề nghiệp ra sao?
Lực lượng chức năng giúp người dân di dời đồ đạc ra khỏi khu vực nguy hiểm.
Trước đó, vào chiều 5/12, tại ấp Bình Thuận 1, xã Hoà Ninh xảy ra vụ sạt lở kinh hoàng. Khu vực sạt lở có chiều dài 500m, ăn sâu vào đất liền khoảng 400m, khiến 12 ngôi nhà, hơn 100 công đất vườn trồng cây ăn trái bị trôi tuột xuống sông. Sạt lở còn làm thiệt hại hoàn toàn 2 ao nuôi cá chốt của người dân.
Người dân được dời về nơi ở tạm.
Đến thời điểm này, cơ quan chức năng đã di dời khẩn cấp 17 hộ dân với khoảng 80 nhân khẩu. Trong số này, nhiều người có nhà người thân ở địa phương, nên xã đã vận động đến ở nhờ. Các hộ còn lại được xã bố trí chỗ ở tạm thời, đồng thời phân công tổ công tác hỗ trợ việc ăn uống, sinh hoạt của người dân.
Clip ghi nhận hiện trường vụ sạt lở và hoàn cảnh các hộ dân phải di dời sau vụ sạt lở.
Bà Trần Thị Hõn, Chủ tịch Hội Người khuyết tật, trẻ mồ côi, bệnh nhân nghèo xã Hòa Ninh cho biết: “Chúng tôi đã mua các nhu yếu phẩm hỗ trợ người dân như: Mua mì, mua sữa cho em bé, rồi mua mùng, mền, nước uống. Một số người dân xung quanh cũng đến ủng hộ”.
Khẩn trương hỗ trợ đời sống người dân
Ông Nguyễn Hoàng Nguyên - Chủ tịch UBND xã Hòa Ninh, cho biết thêm: Sau khi rà soát những thiệt hại của các hộ dân, xã cũng kiến nghị về tỉnh, huyện để thực hiện các chủ trương của nhà nước để hỗ trợ người dân bị thiệt hại về thiên tai.
Lãnh đạo Vĩnh Long thăm hỏi, động viên người dân trong vụ sạt lở.
Bà Phan Thị Mỹ Hạnh, Chủ tịch UBND huyện Long Hồ cho biết: “Đối với các hộ dân bị thiệt hại, sau khi thống kê sẽ được hỗ trợ 40 triệu đồng theo quy định tại Nghị định 20/2021/NĐ-CP của Chính phủ “quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội"”.
Trong ngày hôm qua (6/12), ông Nguyễn Văn Liệt, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long đã đến khảo sát khu vực sạt lở thuộc ấp Bình Thuận 1, xã Hòa Ninh.
Ông Liệt đã yêu cầu các ngành chuyên môn đo độ sâu diện tích bị sạt lở theo thống kê sơ bộ ban đầu.
Trao hỗ trợ cho người dân bị sạt lở.
UBND huyện Long Hồ đã báo cáo nhanh vụ việc, tính đến thời điểm này có 12 hộ có nhà bị sạt lở hoàn toàn xuống sông, 9 hộ có nguy cơ bị sạt lở đã di dời về nơi ở an toàn.
Xã cũng đã thuê trọ cho 6 hộ, 3 hộ ở nhờ nhà người thân. Các nhu yếu phẩm sinh hoạt thiết yếu được đảm bảo. Ban chỉ huy phòng chống thiên tai của huyện tạm ứng 2 triệu xã huyện vận động thêm mỗi hộ được hỗ trợ 4 triệu đồng.
Ngoài ra có 8 em học sinh, huyện cũng chỉ đạo Phòng GD&ĐT kịp thời hỗ trợ tập, sách, quần áo để các em trở lại trường học trong sáng 6/12.
Lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long khảo sát thực tế khu vực sạt lở.
Ông Liệt chỉ đạo chính quyền 2 cấp xã huyện nhanh chóng ổn định tình hình đảm bảo an ninh trật tự, tư tưởng của các hộ dân. Rà soát lại tình trạng mất đất của các hộ dân cụ thể, chính xác để báo cáo về tỉnh. Tùy theo phân cấp báo về tỉnh xem xét hỗ trợ theo qui định.
Các ngành chức năng nhanh chóng tìm ra nguyên nhân chính gây sạt lở báo cáo về UBND tỉnh, tham mưu với tỉnh phương hướng khắc phục thiên tai sớm có kế hoạch bảo vệ vườn cây ăn trái.
Ông Lưu Nhuận - Chánh văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Vĩnh Long cho hay: Tại thời điểm khảo sát, nguy cơ sạt lở vẫn còn tiếp tục xảy ra.
Trước mắt phối hợp với chính quyền địa phương di dời đồ đạc, tiếp tục theo dõi điểm sạt lở, rà soát tất cả các hộ dân nằm trong khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn, ổn định đời sống người dân.
Cũng tại buổi khảo sát điểm sạt lở, ông Văn Hữu Huệ, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Vĩnh Long, nhận định đây là vụ sạt lở rất kỳ lạ, ăn sâu vào đất liền hàng trăm mét. Hiện tại, khu đất đang còn dấu hiệu sạt lở tiếp nên để vài ngày ổn định, sở mới tham mưu UBND tỉnh thuê đơn vị độc lập khảo sát địa chất tìm nguyên nhân.
Khu vực này hiện có một mỏ cát của doanh nghiệp nằm cách điểm sạt lở 500m đã gần hết hạn khai thác. Đơn vị cũng không thực hiện thủ tục gia hạn theo quy định nên Sở TN&MT Vĩnh Long sẽ tham mưu UBND tỉnh cho dừng hoạt động ngay.
Ông Nguyễn Văn Liệt, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long yêu cầu Công an tỉnh kết hợp kiểm tra, tăng cường xử lý cát lậu. Sở TN&MT nhanh chóng trình UBND tỉnh cho dừng mỏ cát trên.
Sở NN&PTNT nhanh chóng trình UBND tỉnh công bố tình trạng khẩn cấp khu vực sạt lở này; bố trí người phát ngôn cung cấp thông tin cho báo chí chính xác nhất; thuê đơn vị tư vấn nhanh chóng có báo cáo chính thức về nguyên nhân vụ sạt lở này...
Bình luận & Góp ý
0 nhận xét :
Đăng nhận xét