Nửa đầu 2023, điện ảnh Việt vượt mốc doanh thu 1.000 tỷ đồng. Nhưng sau đó, phim nội địa gần như “bốc hơi” khỏi sân nhà trong vòng 5 tháng liên tiếp.
Mùa hè luôn là thời điểm để các nhà làm phim Hollywood hốt bạc. Năm nay, hàng loạt bom tấn cùng xếp lịch phát hành vào dịp này như Fast & Furious 10, Transformers: Quái thú trỗi dậy, Vệ binh dải Ngân Hà 3, Flash, Nàng tiên cá…
Thế nhưng, tại rạp Việt lại chứng kiến sự “mất tích” kỳ lạ của các dự án nội địa. Không có phim Việt nào lên lịch phát hành trong suốt mùa hè, nhường đất cho các dự án ngoại cạnh tranh với nhau.
Trong vòng 3 thập kỷ qua, đây là hiện tượng chưa từng có với điện ảnh Việt, nếu không tính giai đoạn Covid-19.
Tiền lệ chưa từng có
Nửa đầu năm 2023, phim Việt lập kỷ lục khi đạt tổng doanh thu lên đến hơn 1.000 tỷ đồng. Thành tích này phần lớn nhờ vào sự đóng góp của 2 phim Nhà bà Nữ (Trấn Thành đạo diễn) và Lật mặt 6: Tấm vé định mệnh (Lý Hải).
Song, ngay sau khi Lật mặt 6 ngừng chiếu, phim Việt hoàn toàn vắng bóng tại rạp. Khán giả vì thế cũng chỉ có một lựa chọn duy nhất là xem phim ngoại khi có nhu cầu giải trí.
Doanh thu gần 460 tỷ đồng của Nhà bà Nữ giúp phim Việt vượt mốc 1.000 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2023.
Thực tế, trước đây số lượng phim ngoại nổi trội và lấn át phim Việt là điều không hiếm có. Nhiều dự án nước ngoài cũng từng vượt mặt phim Việt ngay tại sân nhà.
Đơn cử, phim Thái Lan Ngược dòng thời gian để yêu anh từng thắng lớn ở nước ta. Tác phẩm vượt qua các dự án nội địa về doanh thu, lập kỷ lục là phim Thái ăn khách nhất tại rạp Việt trong năm 2022. Tương tự, phim Hàn Quốc Bỗng dưng trúng số cũng được yêu thích nồng nhiệt, gây sốt tại Việt Nam dù thành tích phòng vé ở quê nhà không quá ấn tượng.
Thời điểm Ngược dòng thời gian để yêu anh ra rạp, phim Việt cũng từng biến mất trong khoảng 2 tuần, tạo điều kiện để phim ngoại thắng lớn. Thi thoảng, khán giả cũng không nhìn thấy phim Việt trên bảng xếp hạng của Box Office Vietnam (đơn vị quan sát phòng vé độc lập) trong khoảng 1-2 tuần.
Thế nhưng, chưa có lần nào phim Việt vắng bóng, nhường rạp cho phim ngoại trong một khoảng thời gian dài, lên đến 4-5 tháng như năm nay.
Lần duy nhất phim Việt “mất tích” thời gian dài tại rạp là năm 2021. Cụ thể, Thiên thần hộ mệnh phát hành ngày 30/4, trở thành một trong những dự án cuối cùng của năm. Mãi đến 30/12, Rừng thế mạng mới ra rạp, đánh dấu sự trở lại của phim Việt sau 8 tháng.
Nhưng thời điểm đó là khi Covid-19 bùng phát mạnh mẽ. Không chỉ có phim nội địa mà các dự án quốc tế cũng bị ảnh hưởng, liên tục phải dời lịch chiếu vì tình hình dịch bệnh.
Năm 2021, phim Việt từng vắng bóng 8 tháng sau sự xuất hiện của Thiên thần hộ mệnh.
Phim Việt tụt dốc về số lượng
Năm nay, phim Việt đạt doanh thu ấn tượng nhưng số lượng vẫn không nhiều. Tổng số phim ra mắt trong 5 tháng đầu năm là 10 tác phẩm, gồm 8 dự án điện ảnh và 2 phim tài liệu. Nếu tính trung bình, mỗi tháng khán giả chỉ có 2 phim để xem. Con số này quá ít ỏi và chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng cao.
So với các năm trước, năm nay là thời điểm phim Việt chạm đáy về số lượng. Cụ thể, nửa đầu năm 2019 có 18 phim Việt ra mắt khán giả. Con số giảm xuống còn 11 trong 2 năm 2020, 2021.
Đến nửa đầu năm 2022, phim Việt bùng nổ về số lượng với tổng 24 phim ra mắt. Song, phần lớn là các dự án "tồn kho", lẽ ra phải phát hành sớm hơn nhưng bị dời lịch như Bẫy ngọt ngào, 578: Phát đạn của kẻ điên, Em và Trịnh.
Có nhiều yếu tố để lý giải về việc phim Việt vắng bóng trong mùa hè năm nay. Nổi bật vẫn là những ảnh hưởng chưa dứt từ Covid-19. Đại dịch từng khiến cho nhiều dự án bị trì hoãn, thậm chí hủy bỏ một cách đáng tiếc.
Việc kêu gọi nguồn vốn giai đoạn hậu Covid-19 càng trở nên khó khăn. Điện ảnh trở thành ngành nghề khó khăn, đầy rủi ro nên nhiều nhà làm phim cũng phải bỏ cuộc, chuyển hướng khác để sinh sống.
Covid-19 khiến một số dự án bị dời lịch (như Bẫy ngọt ngào), đồng thời ảnh hưởng đến nền điện ảnh nội địa.
Việc phim Việt mất tích tại sân nhà, dù trong thời gian ngắn hay dài, cũng luôn là một điều đáng buồn. Điều đó dẫn đến việc khán giả rơi vào “cơn khát” phim nội địa ngay tại mùa hè năm nay – thời điểm luôn bùng nổ về doanh thu.
Nó cũng phần nào cho thấy thực trạng phim Việt đang thiếu cung so với cầu. Khi không còn cách nào khác, nhiều nhà sản xuất có thể sẽ lại chọn giải pháp làm phim “mì ăn liền” vì đơn giản, dễ thực hiện. Nhưng hậu quả là chất lượng thấp, bị khán giả quay lưng khi ra rạp.
Từ nay đến cuối năm, chỉ có duy nhất dự án Đất rừng phương nam (Nguyễn Quang Dũng đạo diễn) lên lịch ra mắt vào tháng 10. Tác phẩm gây chú ý vì chuyển thể từ tiểu thuyết nổi tiếng cùng tên của nhà văn Đoàn Giỏi, đồng thời quy tụ dàn sao như Trấn Thành, Mai Tài Phến, Tuấn Trần, Hồng Ánh…
Nhưng “một cánh én không làm nên mùa xuân”. Tình trạng phim Việt thất thủ sẽ còn kéo dài, ít nhất là cho đến hết năm. Điện ảnh Việt cũng cần một khoảng thời gian tương đối lâu để hồi phục, lấy lại phong độ.
Trong tình tế đó, các nhà làm phim cũng cần tỉnh táo để không bị lung lay trước sự tấn công ồ ạt của các dự án phim ngoại, điển hình là Hollywood.
Họ không nên tập trung về số lượng mà bỏ quên chất lượng - yếu tố quan trọng nhất. Bởi lẽ khán giả luôn cần những món ăn tinh thần hấp dẫn, xứng đáng bỏ tiền lẫn thời gian khi ra rạp.
Bình luận & Góp ý
0 nhận xét :
Đăng nhận xét