Thiết bị giám sát DAT ‘dở chứng’, học viên phải chạy xe lại hàng trăm km

 

Từ 15/6/2022, thiết bị DAT bắt buộc phải lắp trên các xe tập lái nhằm giám sát quá trình học viên học lái xe trên đường trường từ 710-810km. Thế nhưng, thiết bị này hay “dở chứng”, không ghi nhận kết quả khiến học viên phải chạy xe lại hàng trăm km.

Lời tòa soạn

Theo Cục Đường bộ Việt Nam, năm 2022, cả nước có khoảng 1,5 triệu người học lái ô tô nhưng chỉ khoảng 50% vượt qua kỳ thi sát hạch. Việc siết chặt công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe là nhiệm vụ được Bộ GTVT đặt ra nhằm chống tham nhũng, tiêu cực, hạn chế tình trạng tai nạn giao thông.

Đã có các giải pháp về ứng dụng công nghệ thông tin, trong đó có việc bắt buộc các cơ sở đào tạo lắp thiết bị giám sát thời gian và quãng đường thực hành lái xe (Distance and Time - DAT), thêm bài thi mô phỏng trong phần thi lý thuyết, học lái xe trên cabin điện tử. Tuy nhiên, thực tiễn triển khai lại có nhiều bất cập khiến các học viên "dở khóc dở cười".

Camera không nhận mặt, học viên phải chạy xe lại hàng trăm km

Chị Nguyễn Thu Hương (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ những gian truân khi trải qua quá trình học và kỳ thi sát hạch giấy phép lái xe ô tô vào tháng 5 vừa qua.

Chị Hương thi bằng B2 nên phải học lái xe đường trường với 810km dưới sự giám sát của thiết bị DAT, trong đó có quy định hơn 3 giờ chạy ban đêm.

Phần lái xe trên đường trường, thiết bị DAT "làm khó" nhiều học viên 

“Nhằm thực hiện quy định bắt buộc phải hoàn thành gần nghìn km cộng với thời gian chạy xe ban đêm, các thầy dạy thường cho học viên chạy xe trên đường cao tốc. Thế nhưng sự cố vẫn xảy ra.

Có đêm thầy trò chạy mải miết từ Hà Nội đi Thái Nguyên nhưng khi kết thúc phiên học thì phát hiện camera của thiết bị DAT không nhận dạng khuôn mặt tôi. Nói thật, lúc đó tôi như chết đứng", chị Hương rầu rĩ.

Bức xúc vì công sức đổ sông đổ bể, chị Hương nói: "Rõ ràng vẫn là tôi, không ai chạy xe thay hết nhưng hệ thống vẫn báo lỗi. Thầy trò loay hoay một hồi mới biết nguyên nhân là do xe đi ở chiều ngược lại. Chúng tôi phải che bớt camera để hạn chế đèn phản chiếu thì mặt tôi mới được “định danh”.

"Công sức cả tối của thầy trò mất hết, phải chạy lại 180km với 3 giờ ban đêm nhưng không thể thực hiện ngay vì quá muộn”, chị Hương nhớ lại.

Tại Hà Tĩnh, thầy dạy lái xe T.D.P. cũng chia sẻ tình cảnh tương tự khi thiết bị giám sát DAT hoạt động chập chờn, nhận diện không chính xác, dữ liệu cập nhật nhiều khi sai lệch, gây ra nhiều phiền toái cho học viên và người dạy.

“Nhiều hôm chạy xe được một đoạn thì thiết bị giám sát DAT bị lỗi nên thầy trò phải ngồi đợi. Cực chẳng đã, khi đợi mãi đến lúc máy hoạt động trở lại, chạy một quãng lại bị lỗi tiếp. Có hôm thầy trò phải dừng 30 lần vì DAT không nhận diện khuôn mặt học viên”, thầy P. chia sẻ.

Hệ thống DAT chập chờn không nhận diện khuôn mặt học viên

Để khắc phục tình trạng thiết bị giám sát không nhận dạng khuôn mặt học viên, thầy P. phải bật đèn cabin trong quá trình chạy xe.

“Nhưng nếu làm như thế lại bị lóa kính, rất nguy hiểm. Khổ nhất là vừa phải quan sát đường và các phương tiện giao thông vừa phải theo dõi hoạt động của DAT nên sẽ rất mất tập trung.

Nếu tập trung quan sát trên đường, khi DAT “dở chứng” sẽ trở thành công cốc, còn dán mắt vào DAT thì việc quan sát trên đường bị hạn chế, nguy cơ gây tai nạn giao thông rất cao”, thầy P. ái ngại nói.

Thầy dạy lái xe T.C.Đ. cho biết, gần đây anh cùng 2 học viên chạy xe vào Vũng Áng. Cả đi và về hết 4 giờ nhưng thiết bị DAT chỉ ghi nhận được 1 giờ 40 phút.

“Mất công mất sức như thầy trò chúng tôi vẫn chưa là gì, có trường hợp như thầy T. đã dạy được 800km nhưng bị mất 600km, phải chạy lại. Nói thật, đến là khổ!”, thầy T.C.Đ. rầu rĩ.

Thiết bị DAT còn nhiều lỗi, ảnh hưởng đến quá trình học của học viên

Ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Phó Giám đốc Trung tâm đào tạo sát hạch lái xe Bắc Hà (Từ Sơn, Bắc Ninh) dẫn chứng, nhiều trường hợp học viên đăng nhập được vào dữ liệu DAT, chạy cả quãng đường dài đến khi hết phiên đăng xuất thì xe đi vào vùng không có sóng, mạng 3G kém nên không thể tự động truyền dữ liệu lên Cục Đường bộ ngay thời điểm đó.

“Quá 2 phút thì trung tâm phải thao tác truyền dữ liệu phiên học… bằng tay. Nhưng như hồi tháng 6 vừa qua, có những tuần phần mềm của Cục Đường bộ cũng "treo" nốt. Thậm chí có trường hợp không công nhận kết quả, bắt buộc học viên phải chạy lại”, ông Nghĩa cho hay.

Nhiều học viên đôi khi phải chạy lại vì thiết bị DAT bị lỗi 

Lãnh đạo Phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái (Sở GTVT tỉnh Bắc Ninh) cho biết, trong công tác đào tạo, sát hạch lái xe, khó khăn nhất đối với địa phương là vận hành hệ thống thiết bị quản lý DAT.

Theo quy định, sau khi thiết bị DAT ghi nhận quá trình học của học viên từ các cơ sở đào tạo, dữ liệu sẽ được tự động truyền lên hệ thống quản lý của Cục Đường bộ. Sở GTVT căn cứ vào hệ thống dữ liệu này để xét duyệt các học viên có đủ điều kiện (thời gian, số km chạy) tham gia thi sát hạch.

“Bắc Ninh có 7 cơ sở đào tạo, sát hạch lái xe. Trung bình mỗi ngày có vài trăm thậm chí hàng nghìn phiên học. Với khối lượng phiên học lớn như vậy, kiểm soát phiên học này như thế nào? Cán bộ không thể ngồi theo dõi từng phiên được”, vị lãnh đạo này nói.

Tại một cuộc họp về nội dung đào tạo, sát hạch lái xe do Cục Đường bộ tổ chức, ông Ngô Đức Thành, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Bắc Ninh cũng cho rằng, thiết bị DAT còn nhiều lỗi làm ảnh hưởng đến quá trình học của học viên.

“Bên cạnh đó, cũng xuất hiện tình trạng con người phải đi giám sát công nghệ. Nghĩa là phần mềm DAT không tự động kết luận kết quả của người học khiến cho cán bộ các Sở GTVT phải trực tiếp xét duyệt, làm mất rất nhiều thời gian của cơ quan quản lý”, ông Thành cho hay.

Trước những tồn tại này, ông Thành kiến nghị cần sửa đổi quy chuẩn về thiết bị DAT, có giải pháp công nghệ để phát hiện, ngăn chặn tình trạng gian lận, can thiệp vào thiết bị, làm sai lệch kết quả của người học.

Ngoài ra, phần mềm hệ thống quản lý dữ liệu thiết bị DAT cũng cần được nâng cấp để có thể tự động phân tích dữ liệu, phát hiện các phiên học bất thường và tự động loại bỏ phiên học không hợp lệ.

Nhấn mạnh thiết bị DAT là hệ thống phần mềm mới xây dựng, không tránh khỏi một số lỗi kỹ thuật, Cục Đường bộ cho biết, từ ngày 1/7, đơn vị đã hoàn thành việc nâng cấp hệ thống và hiện đang triển khai tiếp nhận dữ liệu DAT từ các cơ sở đào tạo.

Với những vướng mắc nêu trên về quy định chạy DAT, Cục Đường bộ khẳng định đang nghiên cứu tiếp thu để có các điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế.

Tuy nhiên, lộ trình điều chỉnh ra sao thì đơn vị này chưa thông tin. Điều này đồng nghĩa với việc học viên tiếp tục phải chịu cảnh có thể bị hủy kết quả phiên học dù thực tế vừa chạy mấy trăm km đường trường.

Từ ngày 15/6/2022, thiết bị DAT bắt buộc phải lắp trên các xe tập lái, dữ liệu quản lý DAT cũng phải được truyền về máy chủ của cơ sở đào tạo và tự động truyền lên hệ thống của Cục Đường bộ Việt Nam.

Mục tiêu của thiết bị và dữ liệu DAT nhằm giám sát chặt quá trình học thực hành trên đường. Theo quy định, học viên thi bằng B1 phải hoàn thành 710km đường trường với 24 giờ; thi bằng B2 lái xe 810km với 40 giờ dưới sự giám sát của thiết bị DAT.

Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng, DAT không phát huy được ưu thế như mong đợi khiến cả người học, cơ sở đào tạo và Sở GTVT các địa phương gặp khó khăn.

Kỳ tới: Hệ thống dữ liệu 'tê liệt', nghìn học viên bị chậm thi sát hạch lái xe

Học viên thi mô phỏng lái xe 'rụng như sung'Chỉ cần ấn bàn phím sớm 1 giây khi xử lý tình huống giao thông trong phần thi mô phỏng lái xe, lập tức học viên sẽ bị 0 điểm. Vì quy định này, vị hiệu phó một trường tiểu học ở Hà Nội đã trượt tới 16 lần.
Bình luận & Góp ý

0 nhận xét :

Đăng nhận xét