Tăng mạnh mức thu phí cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình và TP HCM - Long Thành - Dầu Giây

 

Tổng công ty Đầu tư và phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) điều chỉnh tăng giá vé đối với một số loại phương tiện trên cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình và TP HCM - Long Thành - Dầu Giây từ ngày 1-9

VEC vừa ban hành quyết định điều chỉnh mức giá sử dụng dịch vụ đối với 2 nhóm phương tiện loại 4 (xe tải có tải trọng từ 10 tấn đến dưới 18 tấn; xe chở hàng bằng container 20 feet) và loại 5 (Xe tải có tải trọng từ 18 tấn trở lên; xe chở hàng bằng container 40 feet) trên cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình và TP HCM - Long Thành - Dầu Giây. Thời điểm điều chỉnh bắt đầu từ 0 giờ ngày 1-9-2023.

Tăng mạnh mức thu phí cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình và TP HCM - Long Thành - Dầu Giây - 1

Trạm thu phí cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình

Cụ thể, xe nhóm 4 đi cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình cự ly dài nhất từ Liêm Tuyền đến Cao Bồ (hoặc ngược lại) có mức phí mới 108.000 đồng thay vì 88.000 đồng; xe nhóm 5 đi hết cao tốc có mức phí là 173.000 đồng thay vì 133.000 đồng như hiện nay. Các cự ly ngắn hơn có mức tăng tương đương.

Với cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây, xe nhóm 4 đi cự ly dài nhất từ Long Phước đến Dầu Giây (hoặc ngược lại) có mức phí mới 250.000 đồng thay vì 236.000 đồng; xe nhóm 5 đi hết lộ trình trên có mức phí 400.000 đồng thay vì 373.000 đồng như hiện nay.

Tăng mạnh mức thu phí cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình và TP HCM - Long Thành - Dầu Giây - 2

Chi tiết mức điều chỉnh giá vé cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình và TP HCM - Long Thành - Dầu Giây

Lý giải cho việc điều chỉnh này, VEC cho biết từ năm 2016, theo Nghị quyết số 35/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, VEC đã thực hiện giảm mức giá xe loại 4 với mức giảm khoảng 20%, loại 5 có mức giảm khoảng 25% đối với tuyến đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình và giảm khoảng 10% đối với tuyến cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây (lộ trình QL51 - Dầu Giây).

Đến năm 2023, chính sách giảm giá đối với các phương tiện trên đã được VEC thực hiện 7 năm, đóng góp giá trị lớn cho xã hội, tạo điều kiện cho các phương tiện vận tải lưu thông trên các tuyến.

Theo kế hoạch trả nợ các dự án từ năm 2023, chi phí trả nợ của VEC sẽ tăng liên tục, do đó việc tiếp tục giữ chính sách nêu trên không phù hợp với phương án tài chính được Bộ GTVT phê duyệt.

Dự án đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình và TP HCM - Long Thành - Dầu Giây được VEC đầu tư từ các nguồn vốn vay quốc tế và trong nước có bảo lãnh của Chính phủ, VEC có trách nhiệm trả nợ quốc gia đối với khoản vay để đầu tư đường cao tốc.

Để đảm bảo quy định tại phương án tài chính, VEC cần tính toán phương án điều chỉnh mức thu về mức giá tính toán ban đầu đảm bảo tính đúng, tính đủ giá thành để không ảnh hưởng đến dòng tiền trả nợ của VEC.

"Đến nay VEC không thể tiếp tục duy trì chính sách giảm giá nêu trên. Do đó, thực hiện quy định tại Thông tư số 45/2021 của Bộ GTVT, VEC dừng chính sách giảm mức giá dịch vụ sử dụng đường cao tốc đối với nhóm phương tiện loại 4, loại 5 trên tuyến đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình và TP HCM - Long Thành - Dầu Giây. Mức giá mới được tính toán đúng theo nguyên tắc tính giá dịch vụ quy định của phương án tài chính dự án"- VEC cho hay.

Bình luận & Góp ý

0 nhận xét :

Đăng nhận xét