Ca sĩ, nhạc sĩ Tiên Tiên lần đầu kể về câu chuyện đen tối trong tuổi thơ bị lặp đi lặp lại nhiều lần mà bản thân cô không ý thức được việc phải lên tiếng để bảo vệ mình khỏi tổn thương tinh thần về sau.
Là nạn nhân, nhưng im lặng vì nghĩ mình là người xấu
Trước đây, tôi từng lên tiếng về việc bị làm dụng một lần. Đó là lúc tôi xem đoạn video về câu chuyện của hai mẹ con ở Vũng Tàu. Tôi cảm thấy đây đúng là thời điểm mà mình có đủ can đảm để nói ra được những điều chưa từng dám. Còn hôm nay, đó là cảm xúc khi xem một đoạn của bộ phim "Hope" được tải trên mạng xã hội. Đoạn đứa bé run rẩy trong bệnh viện nó thật đến nỗi làm tôi nổi hết da gà, không dám xem hết.
Câu chuyện đó xảy ra từ lúc nhỏ. Vì nhiều lý do, tôi không thể nói ra đó là ai và vào thời điểm nào. Chỉ có thể biết rằng, đó là một khoảng thời gian dài đen tối và kinh khủng nhất trong tuổi thơ. Việc đó cứ lặp đi lặp lại nhiều lần và tôi cảm thấy nó như một vết nhơ của mình trong quá khứ. Phải mất một thời gian rất lâu tôi mới nhận thức ra là mình phải trốn thoát khỏi cái câu chuyện này, không cho nó lặp lại đối với mình. Vì hồi nhỏ có biết gì đâu.
Ngày tháng là nạn nhân của câu chuyện đó, tôi lại có cảm giác giống như là tôi cũng là người xấu, tôi cũng là một người có lỗi vậy. Tôi không biết người sai mới là người kia, nên tôi không bao giờ dám nói bất cứ ai hết. Tôi âm thầm giữ theo mình cho đến khi lớn lên. Không một ai biết, kể cả mẹ.
Sự việc này khiến tôi biết "nhiều thứ" sớm hơn các bạn đồng trang lứa. Tôi già dặn hơn bọn nó nhiều lắm. Cảm thấy giống như là, đáng lý ra ở cái tuổi đó, tôi phải hồn nhiên, cởi mở với bạn bè hơn nhưng tôi lại sợ hãi, khép kín tất cả mọi thứ và cảm thấy không thể yêu được ai. Đó là lý do tại sao mà tôi rất là khó yêu, tại vì lúc nào tôi cũng có cảm giác sợ con trai, không tin khi đứng trước mọi thứ.
Tôi chọn cách tự bước qua một mình và không dám nói ra với bất kì ai trong quá khứ cả. Tôi cảm thấy đó là một việc làm cần phải giấu đi vì cho rằng mình là người làm sai. Giờ đây, có lúc tôi tự hỏi: "Tại sao hồi nhỏ mình không nói ra để thay đổi mọi chuyện? Như thế mình sẽ không bị tổn thương đến như giờ phút này".
Thời điểm tôi quyết định nói ra là cách đây một năm rưỡi, với một người quan trọng. Người đó làm cho tôi có cảm giác được che chở, an tâm. Từ đó, tôi nghĩ thoáng hơn về việc chia sẻ mình đã bị như vậy trong quá khứ. Và bây giờ cần phải có biện pháp nào đó để bảo vệ quyền trẻ em, để trẻ em có thể nhận thức ra được rằng đó là một việc làm sai. Đồng thời phải cho những đứa trẻ đó giải pháp như thế nào với ba mẹ để nó không bị như vậy nữa, còn những người phạm tội thì nhất định phải chịu tội.
Tôi cảm thấy là cái việc mà tôi nói ra như thế nó một phần nào đó như là để rũ đi sự tổn thương, vết nhơ mà tôi cảm thấy trong quá khứ.
Từ khi mà tôi công khai việc này, có rất nhiều người nhắn tin vô Facebook của tôi chia sẻ: "Em cũng gặp tình trạng tương tự nhưng mà em không dám nói với ai hết". Rồi có những trường hợp đến mức mà anh em ruột luôn, tôi đọc mà đau lòng thay. Tôi nghĩ, may mà mình là con một.
Chính vì được biết đến những chuyện còn tệ hơn, tôi cảm thấy nỗi đau của mình nó cũng chưa là gì so với nỗi đau của người khác, chỉ là họ chưa dám lên tiếng mà thôi.
Tôi không nghĩ đây là nỗi đau khiến tôi ngày nào cũng nghĩ tới đến tận bây giờ, nhưng chỉ là tôi rất sợ nghĩ về việc đó. Giờ đây, tôi biết nếu chuyện này mà phanh phui ra thì người đó chắc cũng sẽ không sống nổi đâu. Tôi lạc quan và cho qua vì tôi thấy là tôi cũng phải cho người ta một con đường sống nữa chứ. Bây giờ người ta có gia đình, và điều kiện họ không tốt. Với lại, nếu bây giờ tôi nói ra người đó ngày xưa như vậy với tôi mà không có chứng cứ thì tôi sẽ là người gì? Đúng không? Tôi sẽ là người bị người khác nói là ăn nói hồ đồ hay là khùng điên. Cho nên bất cứ muốn đem ai ra ánh sáng đều phải có chứng cứ.
Nếu như tôi cứ phải gặp hoài người đó thường xuyên thì cuộc đời tôi nó bế tắc lắm. Nhưng tôi đã tách ra khỏi người đó được gần mười mấy năm rồi. Mọi thứ tôi cũng đã trải qua hết nên nó không gọi là "nỗi đau kinh khủng" nữa, mà nó chỉ là tổn thương thôi.
Tôi chỉ cảm thấy buồn vì tiếc tuổi thơ của tôi tại sao lại không được như bạn bè mà phải chịu một nỗi sợ hãi từ bé như vậy? Tôi chỉ tiếc có vậy thôi, còn chuyện gì rồi nó qua hết. Tôi vẫn phải sống để tiếp tục để yêu thương chứ không phải tôi cứ ôm cái nỗi đau đó và tôi cứ kêu gào với mọi người "Tôi là kẻ bị hại, tôi là kẻ đáng thương". Đó là lý do mà tôi chọn cái nhìn mọi thứ lạc quan để cho những điều xấu xí trong quá khứ không xâm hại đến suy nghĩ của mình nữa. Còn việc là nạn nhân của sự việc này, tôi nghĩ chắc do mình... xui thôi.
Việc nói ra câu chuyện này, ở thời điểm này, tôi nghĩ là cách mà mình muốn cho những người từng là nạn nhân thấy là chúng ta không phải là người sai, chúng ta cần được bảo vệ và chúng ta phải xây dựng làm sao để cho những cái thế hệ sau sẽ không gặp lại những tình trạng này nữa, chứ không phải là phải xem nó như một việc dễ thờ ơ.
Với các phụ huynh có con là nạn nhân, nếu như mà mình đã biết con mình về nói như vậy rồi, và biết đối phương là ai rồi thì phải từ từ giải quyết. Đừng có đùng đùng sang nhà người ta làm ầm ĩ lên, trong khi trong tay mình chưa có bằng chứng, chưa có hình ảnh, chưa có file ghi tiếng, chưa có nhân chứng, vật chứng. Biết là tâm lý làm cha mẹ khó bình tĩnh trong hoàn cảnh này, nhưng đó là việc cần thiết để có thể bắt được kẻ xấu.
Tôi nghĩ là giáo dục nên có bộ môn giáo dục giới tính sớm hơn. Hình như là ngày xưa lớp 8, lớp 9 mới được học, nhưng thực ra bây giờ lớp 4 lớp 5 là nên biết rồi. Cần dạy cho các bé nên biết là "Không ai được đụng vào người con, cơ thể con những điểm nào bất cứ không ai được đụng vào. Con sẽ có cái cách nào để chống lại những tình huống không hay, ví dụ như người ta ôm con lúc đó thì con biết cách con cắn hay làm cái gì đó để con tự bảo vệ mình". Cần có những môn học, kỹ năng mềm như vậy thì khi gặp hoàn cảnh xấu mới có thể biết phải xử trí thế nào.
Với những ai từng là nạn nhân của tình trạng xâm hại tình dục khi còn bé, tôi biết sự tổn thương đó là cực kỳ khó nói ra. Nhưng sau cùng vẫn là nên nói ra để mình chia sẻ được nỗi đau đó. Chứ đừng có giấu nó một mình xong rồi mình bị bệnh luôn. Bệnh rách tay rách chân thì dễ lành, chứ còn bệnh trong lòng, khó lành lắm.
Nếu may mắn gặp được một người để tin tưởng chia sẻ, bạn có thể sẽ thấy là "Không sao hết, chuyện gì thì cũng qua rồi, bây giờ mình phải sống tiếp, bây giờ mình phải trân trọng cuộc sống hơn". Nỗi đau của mình nếu mà chia sẻ được cho tất cả những người khác mà giúp ích được họ thì đó là một việc làm nên làm, cứ làm.
Mọi nỗi đau sẽ nguôi dần theo thời gian thôi, rồi chúng ta vẫn phải tiếp tục sống, vẫn phải tiếp tục làm những gì mà cuộc sống đang diễn ra. Đó không phải là một cái lý do quá kinh khủng để chúng ta dừng cuộc sống mình lại, ngoài đời còn nhiều giông bão phải gặp lắm, đó chỉ là một cái lý do nhỏ thôi. Tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc tự tử là vì vậy.
À, tôi có một cái mẹo. Nhờ nó mà lần cuối cùng, tôi chấm dứt luôn việc này. Đó là khi người đó đến gần, tôi nói là "Ba con biết chuyện này rồi" (nhưng thực sự ba tôi chưa biết, và không bất cứ ai biết). Thế là từ đó về sau, người ta không dám tới gần tôi nữa.
Thời gian gần đây, tôi nhận lời mời tham gia vào "Hội bảo vệ trẻ em và chống xâm hại tình dục". Khi được nghe về dự án, tôi thấy đó đúng với việc mình muốn lên tiếng, muốn được làm nên tham gia thôi. Tôi ấp ủ việc làm một đường dây hotline để gỡ rối tâm lý những việc này cho các em. Đó là ao ước của tôi từ bé.
Giống như là khi mà con có vấn đề, con không thể nói với ba mẹ, con không thể nói với bạn bởi vì con sợ ngại hay là con sợ gì đó, tại sao con không nhấc điện thoại lên để nói với một cô chú ở xa, một cô chú không biết mặt con, không biết nhà con ở đâu, con có thể nói tất cả, mình sẽ là người giải đáp ra những vấn đề đó? Tôi rất muốn làm.
0 nhận xét :
Đăng nhận xét